Kỷ vật của ông giáo làng

Ông giáo già đã dành hơn nửa đời người cần mẫn, sưu tầm, lưu giữ các kỷ vật của chiến tranh. Ông là Nguyễn Quang Vĩnh, thôn Đồng Bả, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa).

Ông Nguyễn Quang Vĩnh bên những kỷ vật của 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ


Ông Vĩnh năm nay hơn 60 tuổi, là giáo viên nghỉ hưu. Trong gia đình có bố từng tham gia đội tuyên truyền giải phóng quân kháng chiến chống Pháp, anh trai là bộ đội kháng chiến chống Mỹ. Mặc dù bản thân không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng qua lời bố và anh trai kể, ông cảm nhận được hết nỗi đau mà chiến tranh gây nên. Bởi vậy, ông đã sưu tầm, tìm kiếm lưu giữ đồ cổ và các kỷ vật của thời chiến tranh, để ghi nhớ, trân trọng các giá trị lịch sử. 

Những kỷ vật mà ông Vĩnh lưu giữ chủ yếu của 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, do gia đình được các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tặng từ những năm 1947, như Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Viện Vi trùng học. Ông nhớ kỹ từng kỷ vật, như mấy cái mâm đồng bộ đội dùng, chiếc gạt tàn thuốc lá, la bàn, màn nâu được bộ đội tặng, mấy cái bình tông, đài National, ba lô con cóc anh trai đi chống Mỹ mang về, đồng tiền đông dương, vỏ đạn, đồng hồ quả quýt chiến lợi phẩm bộ đội thu về tặng lại, hay khăn xếp, áo dài, tráp để con dấu, bộ ấm chén... của cán bộ cách mạng trước khi dời đi tặng lại cho gia đình. Đến nay, kho tàng “nhỏ” gia đình ông có vài chục món kỷ vật. Với ông, những kỷ vật chiến tranh này như một báu vật của gia đình. 

Ông chia sẻ, những lớp người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sẽ dần ra đi, nhưng những kỷ vật, những câu chuyện, kỷ niệm, hiện vật và anh linh của các Anh hùng liệt sỹ sẽ sống mãi, nhất là khi chúng ta biết lưu giữ những kỷ vật và trân trọng quá khứ. Vì vậy, tất cả những kỷ vật được ông Vĩnh phân loại theo từng nhóm riêng và được cất trang trọng trong tủ gỗ. Ông bảo, ông phải lưu giữ những kỷ vật đó, mong muốn các thế hệ mai sau hiểu thêm về lịch sử và qua đó tưởng nhớ đến những người đã hy sinh, cống hiến cho độc lập của dân tộc. Ông mong muốn phát triển thành một bảo tàng nhỏ, thành “địa chỉ đỏ” để những hiện vật biết nói phát huy hiệu quả trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
 

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục